blog Nguyễn Hoài Vân
            Lịch sử người Việt tại Pháp có thể đem ta lùi về rất xa trong quá khứ, không chừng phải lần lên đến tận Hoàng Tử Cảnh, con Vua Gia Long. Ông Hoàng này đến Pháp năm 1787, tại Lorient, nay là một quân cảng không xa nơi tôi ở, sau một cuộc hành trình hơn hai năm rưỡi ! Hoàng Tử Cảnh đã mở màn cho một loạt giao tiếp Việt Pháp. Có những giao tiếp bi đát như việc quan Hiệp Biện Đại Học Sĩ Phan Thanh Giản sang sứ năm 1863, để xin chuộc lại ba tỉnh Nam Kỳ bị Pháp cưỡng đoạt, cùng với Phạm Phú Thứ và Ngụy Khắc Đản.

            Mặt khác, những “sinh viên” Việt Nam du học Pháp Quốc đầu tiên có lẽ là những người Nghệ An Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Điều, Nguyễn Đức Hậu, về nước vào khoảng năm 1866, và được biết đến nhiều qua bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ, kêu gọi canh tân đất nước. Còn làn sóng người Việt đầu tiên lan đến nước Pháp có lẽ là những lính phu bị bắt sang phục vụ trong thế chiến thứ nhất (1914). Tôi có được gặp một cụ già Việt Nam trong trường hợp này, tại một quán cà phê trong khu Maubert, Paris. Cần nói là cũng trong giai đoạn ấy đã có những người Việt Nam thuộc giới thượng lưu sang Pháp học hành, và gia nhập quân đội với cấp bậc cao, như Nguyễn Văn Xuân, cựu sinh viên trường Kỹ Sư lừng danh Polytechnique (trường này cho đến cách đầy vài năm thuộc Bộ Quốc Phòng). Trong đệ nhất thế chiến, ông là một đại úy từng lập những chiến công hiển hách, khiến ông được thăng chức nhanh chóng và mang lon Tướng (Trung Tướng ?) năm 1947 khi về Việt Nam đảm nhận chức vụ Thủ Tướng Chính Phủ Lâm Thời Nam Phần Việt Nam, rồi Thủ Tướng hai miền Việt Nam sau đó.

            Không thể kể hết chuyện người Việt tại Pháp từ thế kỷ 18, tôi xin chỉ nhắc qua vài việc, vài người tương đối có tiếng tăm, ở gần chúng ta hơn, từ các thập niên 20 và 30 của thế kỷ này.

            Một trong những người Việt đầu tiên được dư luận Pháp chú ý đến, là Nguyễn Ái Quốc, “hóa thân” của “bác Hồ vĩ đại” sau này. Năm 1920, tại Hội Nghị Tours của phong trào thợ thuyền, ông là một trong những đại biểu được mời lên diễn đàn. Những câu phát biểu của ông được thu hình và lâu lâu vẫn được đài truyền hình Pháp phát lại trong những chương trình về lịch sử. Lúc ấy Nguyễn Ái Quốc còn hoạt động chung với nhóm của cụ Phan Châu Trinh tại Pháp. Trong nhóm này còn có Phan Văn Trường Nguyễn An Ninh, và Nguyễn Thế Truyền. Nguyễn An Ninh khi đó chỉ vừa 21 tuổi, học Luật ở Paris. Nguyễn Thế Truyền thì học Khoa Học ở Toulouse, rồi đổi sang Văn Khoa ở Paris. Cụ Phan Châu Trinh làm thợ hình ở Pons. Mãi đến năm 1923 Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) mới đi Moscou học làm cách mạng chuyên nghiệp, mặc dù sự ngăn cản của cụ Phan Châu Trinh trong một bức thư còn lưu lại. Ở Hội Nghị Tours nói trên, Léon Blum, sau làm thủ tướng, đã chất vấn phe Cộng Sản đệ tam rằng :“các ông muốn lấy chính quyền để cải tạo xã hội hay muốn sử dụng chiêu bài cải tạo xã hội để lấy chính quyền ?” Đây chính là câu hỏi căn bản luôn phải được đặt ra với người CS. Sau Hội Nghị Tours, phe thần phục Liên Sô quyết định ly khai khỏi tổ chức, để trở thành Đảng Cộng Sản Pháp. Tổ chức SFIO (phân bộ Pháp của Quốc Tế Thợ Thuyền, cụ Trần Văn Ân gọi là đám “sách dép dzô"), chỉ còn lại những người Xã Hội, tiền thân của đảng Xã Hội hiện cầm quyền tại Pháp.

            Trong thập niên 20 người ta còn thấy ở Pháp nhiều nhân vật Việt Nam danh tiếng khác như các ông Tạ Thu Thâu, Dương Văn Giáo, Bùi Quang Chiêu, Hồ Văn Ngà, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Tạo, Trịnh Đình Thảo, Nguyễn An Ninh, Trần Văn Ân, v.v...

            Về tổ chức thì có các đảng chính trị như :

-đảng An Nam Độc Lập (Parti Annamite de l'Indépendance) của Nguyễn Thế Truyền, sau giao lại cho Tạ Thu Thâu,

-đảng Lập Hiến của Bùi Quang Chiêu, Dương Văn Giáo
-đảng CS đệ tứ với lãnh tụ Tạ Thu Thâu, và các đồng chí Phan Văn Hùm, Phan Văn Chánh, Trần Văn Thạch, Hồ Văn Ngà...
-đảng CS đệ tam với Liêu Sanh Trân sau làm tới ủy viên trung ương của đảng CS Pháp, rồi chết vì lao phổi, Nguyễn Văn Tạo, sau làm bộ trưởng Lao Động, Trần văn Giàu...
-và có thể còn những đảng phái khác mà tôi quên đi hay không được biết.

            Ngoài ra, trên mặt tương trợ thì có hội AMI (Association Mutuelle des Indochinois - Hội Tương Trợ Đông Dương) do Trần Văn Thọ làm chủ tịch, Trần Văn Ân làm chủ tịch danh dự, trụ sở ở số 10 rue Torte, Vieux Port, Marseille. Trần Văn Thọ là người đánh Đốc Phủ Nguyễn Văn Vịnh bể đầu khi ông này nhận lệnh Thống Đốc Nam Kỳ Pagès (hay Blanchard de la Brosse ?) sang Pháp yêu cầu tăng cường trừng trị những người chống đối chính quyền thực dân như Nguyễn An Ninh. Ông Thọ làm bồi tàu, chờ Đốc Phủ Vịnh xuống đến bến Marseille, vừa ra khỏi quan thuế thì dùng gậy hành hung ông này. Lúc đó, có người Pháp tên là Frascetto, chủ khách sạn và nhà hàng Continental, gần đó nhảy tới bênh vực đốc phủ Vịnh, đập nhau với ông Thọ. Việc này do cụ Trần văn Ân chứng kiến kể lại vào năm 95 tuổi ! Trần Văn Ân do sự khuyến cáo của LS Dương Văn Giáo, tổ chức biểu tình chờ sẵn đốc phủ Vịnh trên bến, nhưng cấm không cho ai đem theo vũ khí. Ông Thọ ra tòa, được luật sư CS tên là Henry biện hộ, sau trong tù học được nghề đan ghế !

         Về nhân vật xin kể qua :

-Dương Văn Giáo làm luật sư, tổng thư ký đảng Lập Hiến, nhà ở số 39 đường Dufour - Paris 6è, mãi tận lầu 6, ai đến thăm leo hụt hơi ! Ông có tài biện hộ, mặc dầu làm biếng đọc hồ sơ. Năm 1928, ông về Việt Nam, và đến năm 1941 bị ra tòa vì tội phản loạn cùng với Phan Khắc Sửu, Võ Oanh, Trần văn Ân, Trần Quốc Bửu, Ngô Đình Đẩu, v.v..., tức những người chủ trương đảng Nhân Dân Cách Mạng. Luật sư biện hộ cho nhóm này là Trịnh Đình Thảo. Dương Văn Giáo trốn khám Tây rất tài tình, để rồi bị giết trong tay CS đệ tam năm 1945, ở Phan Thiết.


-Bùi Quang Chiêu, kỹ sư canh nông, một trong những người đầu tiên đi khắp nước Pháp diễn thuyết chống chế độ thuộc địa, thành lập đảng Lập Hiến, sau bị CS sát hại tại Tân An năm 1945.


-Nguyễn Thế Truyền thành lập đảng Độc Lập, sau có tranh cử Tổng Thống với ông Ngô Đình Diệm.


-Hồ Văn Ngà, học Centrale, trường kỹ sư danh tiếng bậc nhất nước Pháp cùng với Polytechnique. Ông là một nhân tài của phe Đệ Tứ, sau bị CS đệ tam giết ở Kim Quy Đá Bạc, Rạch Giá, năm 1945 (ông Ngà bị nhốt chung với Trần Quang Vinh, một tối được anh gác khám là học trò cũ mời về nhà dùng cơm, rủi thay trong lúc đó Nguyễn Thành Phương và Vũ Tam Anh đến phá khám cứu thoát ông Vinh, hôm sau H.V.Ngà bị đập chết bằng củi đòn).


-Tạ Thu Thâu, sang Pháp năm 1927, đem theo 10 học trò nhà giàu để có tiền tàu và tiền ăn. Ông học toán đại cương ở Sorbonne, Paris, trở thành lãnh tụ đệ tứ lỗi lạc, sau thay Nguyễn Thế Truyền làm chủ tịch đảng Độc Lập. Báo của đảng là tờ “Hồi Sinh” (Résurrection). Đảng Độc Lập bị giải tán sau vụ ẩu đả với thanh niên cực hữu Pháp ở nhà hàng Turquetti vào năm 1929, có Đỗ Đình Thạch tức Pierre Đỗ Đình tham dự. Ngày 24 tháng 6 năm 1930, vì tổ chức biểu tình chống thực dân sau vụ Yên Bái, ở trước điện Elysée, Tạ Thu Thâu bị trục xuất cùng với 19 người trong đó có Phan Văn Hùm, Phan Văn Gia, Hồ Văn Ngà, Trần văn Giàu, Nguyễn Văn Tạo, Trần văn Phú, Vũ Liên... Ông bị CS đệ tam giết ở Cánh Đồng Dương, Quảng Ngãi, năm 1945. Học trò ông là Hoàng Đôn Trí sau này tiếp tục phong trào Đệ Tứ ở Pháp, đặc biệt là trong giai đoạn Công Binh sẽ nói ở phần sau.


-Trần Văn Giàu học ở Toulouse, là người có đại công với CS đệ tam ở miền Nam Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến. Tạ Thu Thâu lúc cùng ở Pháp, rất thương Giàu, có sách vở gì hay, đều đem cho Giàu đọc. Giàu là người lãnh trách nhiệm trực tiếp trong việc giết Tạ Thu Thâu. Như nhiều người miền Nam khác có công với CS, ông không được trọng dụng, và “lêu têu cứu quốc” đến bây giờ. Cách đây vài năm ông có sang Pháp dự một hội nghị về sử học. Ông Giàu có tiếng là một lý thuyết gia Marxiste có tầm cỡ.


-Trần văn Thạch học Văn Khoa ở Toulouse, đỗ Cử Nhân, cùng với Phan Văn Hùm, cao đẳng Công Chánh, là những tinh hoa của Đệ Tứ, đều bị CS đệ tam bắt ở Thủ Đức vào tháng 10 năm 1945, rồi bị đập đầu liệng xuống sông cùng với ít nhất là 64 người Đệ Tứ khác, tại Phan Thiết.


-Trần Văn Ân, sang Pháp với hai học trò nhà giàu để có tiền ăn, tiền tàu. Ông học Arts et Métiers tại Aix en Provence cùng với Trần Văn Bạch, sau hết tiền và bệnh nặng phải bỏ học. Ông ở Aix số 29 đường République, thuê nhà của ông Larger, cựu chiến binh Đông Dương. Ông Larger có vợ người Bắc. Bà nói chuyện nửa tây nửa ta, kiểu như muốn dặn đóng cửa coi chừng gió đập bể tủ thì bà bảo : “ắt tăng xông gió tắp cái đùng già na cát xê tủ !"(attention là coi chừng ; casser là làm bể), xin ghi lại để nhắc qua vài sắc thái vui vui của một số người Việt tại Pháp thời đó.
            Cùng ở Aix en Provence lúc đó có Nguyễn Văn Tạo và Liêu Sanh Trân. Trần Văn Ân làm chủ tịch danh dự hội Tương Trợ Đông Dương, vào đảng Độc Lập, và làm chủ bút An Nam Học Báo (L'Annam Scolaire). Báo này ngay từ đầu đã bị cấm đưa vào Đông Dương. Ông kết thân với Thâu, Thạch, Hùm, Chánh, và nhóm Đệ Tứ. Ông cũng làm bạn vong niên với Dương Văn Giáo. Năm 1927, ông làm phó chủ tịch Đại Hội Sinh Viên Đông Dương. Sau nhờ bạn bè quyên tiền tặng, ông mới theo được tàu Pasteur về nước, làm báo, tham chánh nhiều lần và ngồi tù tử hình Côn Đảo 9 năm. Năm 1948, đang làm Tổng Trưởng Thông Tin cho Chính Phủ Lâm Thời Nam Phần Việt Nam, ông bị Tướng de la Tour dọa giết vì hành vi chống thực dân, nên trở sang Pháp lánh nạn và đi diễn thuyết chống thực dân ở nhiều nơi, nổi bật nhất là vào tháng 10 năm 1948, tại Palais de la Mutualité (nơi sau này Tổng Hội Sinh Viên Paris hay tổ chức Tết, và đồng bào mình hiện nay thường tổ chức hát Cải Lương), dưới sự chủ tọa của Chủ Tịch Liên Minh Nhân Quyền (Ligue des Droits de l'Homme). Ông giao thiệp với đảng viên xã hội SFIO (sách dép dzô !), và nhờ sự can thiệp của họ để được trở về nước tiếp tục hoạt động.

            Một việc đáng chú ý của giai đoạn này là Đại Hội Sinh Viên Đông Dương lần thứ nhất họp tại Aix en Provence, năm 1927, từ ngày 19 đến 22 tháng 7, quy tụ đại biểu các nơi. Ủy ban tổ chức do Luật Sư Trịnh Đình Thảo làm chủ tịch, Trần Văn Ân làm Tổng Thư Ký. Ông Thảo sau là một trong những sáng lập viên của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Sau khi khai mạc, Đại Hội bầu Trần Văn Thạch làm Chủ Tịch, Trần Văn Ân làm Phó, Dương Văn Giáo làm báo cáo viên. Trong số những người tham dự có Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh (đang đi một vòng diễn thuyết), Nguyễn Văn Báu (sau làm Đốc Phủ, Đổng Lý cho Thủ Tướng Nguyễn Văn Xuân, rồi làm việc tại Bộ Ngoại Giao thời Thủ Tướng Nguyễn Phan Long). Đại Hội yêu sách nhiều điều với chính quyền Pháp, cho sinh viên du học, và cho nền giáo dục ở Việt Nam.

            Đến thế chiến thứ hai, thì một đợt công binh và chiến binh Việt Nam lại bị cưỡng bách sang Pháp (thiểu số duy nhất tình nguyện là lính khố đỏ). Lịch sử của họ được Đặng Văn Long, một nhân chứng và học giả kể lại trong một tác phẩm rất giá trị vừa được “Tủ sách Nghiên Cứu” (BP 246 , 75224 Paris Cedex 11) phát hành năm nay, với tựa đề “Người Việt tại Pháp 1940-1954”. Họ trở thành tập thể đông đảo nhất trong số người Việt tại Pháp lúc bấy giờ, có lúc lên đến 4 vạn người. Ngoài họ ra, là một số trí thức còn đang học hay đã đi làm, cũng như những người bồi bếp, vú em, thủy thủ, thương gia, và lính phu bị bắt sang Pháp từ thế chiến thứ nhất, như đã nói ở trên. Cần nhắc lại là Hoàng Tử Cảnh vào cuối thế kỷ 18 đã ký hiệp ước nhận đóng góp binh sĩ cho Pháp khi cần, và sau này triều đình Huế năm 1939 lại ký một thỏa ước nhượng cho Pháp 5 trăm ngàn người gửi sang"mẫu quốc”, đem lại sự “biện minh” pháp lý cho những thảm kịch bắt phu, bắt lính trong hai cuộc thế chiến.

            Đời sống của những người lính tha hương này vô cùng cơ cực. Không những họ bị hành hạ bởi các quan tây trịch thượng rẻ khinh bọn “mọi thuộc địa”, mà còn bị đám đội quản, thông ngôn, giám thị Việt Nam dựa thế Tây mà hống hách bóc lột, ăn lận lương thực, áo quần, giầy dép. Đó là chưa kể đến bọn du đãng hoành hành trong các căng trại, với các tệ nạn say sưa, cờ bạc, đĩ điếm... bòn rút của những người lính xa nhà này chút lương tiền chắt chiu còn dành dụm được. Đa số đều không biết chữ, kể cả chữ quốc ngữ, đừng nói chi đến chữ Pháp, nên chẳng thể nào tự bảo vệ quyền lợi của mình. Ai rục rịch phản kháng là lập tức bị tống giam trong điều kiện cùm gông tàn nhẫn, thời gian không dưới ba tháng rưỡi. Đói lạnh, ăn ở thiếu vệ sinh mà lỡ có đau ốm thì phải đút lót hối lộ mới được chạy chữa, kể cả trong bệnh xá dành cho họ. Một thống kê thực hiện trên 14846 Công Binh, cho biết có 1050 người chết, đại đa số do bệnh tật, tức hơn bảy phần trăm, con số tử vong cao hơn bất cứ tập thể quân hay dân sự nào ở Pháp trong cùng thời kỳ. Một số công binh đi làm cho các sở tư, thì bị ăn chặn tiền lương, chỉ được lãnh có 1 phần 6 số lương chủ trả...

            Trong tình trạng bi đát ấy, tiểu tổ BL của phong trào Đệ Tứ Quốc Tế hình thành, với sáu người, gồm những người đào ngũ. Sau khi nước Pháp được giải thoát khỏi sự đô hộ của Quốc Xã Đức, binh sĩ Việt Nam tại Pháp nhân dịp đứng lên đòi hỏi cải thiện đời sống. Họ lập nên các Ủy Ban Đại Diện, với sự yểm trợ của nhóm Đệ Tứ nói trên, và thành lập các tổ chức thanh niên thể thao, tương tế, tự vệ, v.v... Bộ mặt các “căng trại” thay đổi, bọn cường quyền phải e dè, và đời sống binh sĩ Việt Nam trở nên tốt đẹp hơn. Nạn mù chữ cũng bị đẩy lùi, một thành công lớn, cùng với việc dạy nghề cho binh sĩ. Phong trào tự quản thành công của Công Binh đưa đến ý thức cần đi đến sự thành lập một Ủy Ban Đại Diện chung cho toàn thể Việt kiều tại Pháp, với một mục tiêu xa hơn là tranh đấu cho nền độc lập của nước nhà. Công việc tiến hành khả quan với sự hình thành của một Ủy Ban Lâm Thời, gồm các nhân vật Đệ Tứ và Quốc Gia, trong khi phe CS hậu thân của Đệ Tam Quốc tế kịch liệt tẩy chay việc này. Đến tháng chạp năm 1944 thì Tổng Ủy Ban Đại Diện Việt Kiều ra đời sau một Đại Hội ở Avignon. Hoạt động của Tổng Ủy Ban trước dư luận bản xứ là những đòn nặng đánh vào chính sách thực dân của Pháp. Chính quyền bản xứ ra lệnh giải tán Tổng Ủy Ban Đại Diện Việt Kiều vào tháng 10 năm 1945, và bắt giam một số đại biểu. Hai tháng sau, một Đại Hội được triệu tập tại Mazargues, và một tổ chức khác ra đời, lấy tên là Việt Kiều Liên Minh.

            Năm 1946, khi Hồ Chí Minh trở sang Pháp, thì Việt Kiều đã có tổ chức, nhưng không phải được tổ chức dưới ngọn cờ của Đảng CS. Người Đệ Tứ lại có mặt trong hầu hết các tổ chức Việt Kiều, những người Đệ Tứ mà ông Hồ và các đồng chí Đệ Tam của ông đã gần như giết sạch trong quốc nội. Vì thế đảng CS không ngớt tấn công các tổ chức Việt Kiều đã được thành lập,  bằng cách gây chia rẽ giữa người Quốc Gia và Đệ Tứ,  rồi giữa Công Binh với nhau ... Với Trần Ngọc Danh, người đại diện của chính phủ Hồ Chí Minh tại Pháp, những màn vu khống bôi bẩn đại diện Công Binh được giàn dựng công phu. Ông Danh liên kết với thành phần du đãng lưu manh không còn hoành hành được ở các căng trại nhờ chính sách tự quản của các Ủy Ban Đại Diện, để trở lại khuấy nhiễu đời sống của Công Binh, hành hung đại biểu, phá phách rồi gọi cảnh sát đến điều tra, khám xét. Đảng CS Pháp lúc ấy cũng nằm trong chính phủ, nên có sự đồng lõa bên phía công quyền, cảnh sát. Trong một cuộc ẩu đả do phe CS gây ra ở trại Mazargues, năm người thiệt mạng, Công Binh phụ trách Ủy Ban Tự vệ bị cảnh sát bắn chết, hàng chục người bị thương nặng, nhiều người tàn phế. Chưa hết, một số Công Binh còn bị truy tố ra tòa và phải lãnh án mặc dù không có bằng chứng gì để buộc tội họ. Mặc dù tốn nhiều công sức với những phương tiện bá đạo và phi nhân, phe CS đệ tam cũng không kéo được những người Công Binh đã quen với sinh hoạt dân chủ về với chủ trương độc tài của họ (trong số 60 đại đội, gọi là cơ, compagnie, thì chỉ có một cơ rưỡi theo CS đệ tam).

            Khi đa số Công Binh về nước, khoảng 1000 người ở lại Pháp, và tổ chức đại diện Công Binh biến thành Hiệp Đoàn Thợ Việt Nam, với báo “Tiếng Thợ” , tiếp tục truyền thống cũ. Câu chuyện thường bị lãng quên của họ là câu chuyện của những đồng bào xa quê hương xứ sở, đã từ một tình trạng bị đối xử như súc vật, như nô lệ, không những vươn lên tranh thủ được quyền sống như những con người, mà còn vận dụng ý thức chính trị của mình để tranh đấu cho nền độc lập của nước nhà. Họ là những con người đã giác ngộ phẩm giá của mình và hành động để phẩm giá ấy cũng như phẩm giá của mọi con người khác được tôn trọng. Ngày nay, những vị còn lại trong số họ đã lớn tuổi, nhưng vẫn còn nỗ lực hoạt động dưới sự điều khiển của Hoàng Khoa Khôi, hưu trí tại Paris.

            Rồi đến khi cuộc chiến Pháp Việt kết thúc, trên nước Pháp lại có thêm một dấu tích khác của người mình, còn lại đến ngày nay. Đó là làng Việt Nam ở Sainte Livrade, gần Agen, miền Trung Nam nước Pháp. Làng này được dựng nên từ năm 1954, cho những người Việt được Pháp đem đi sau cuộc thảm bại ở Điện Biên Phủ. Đầu tiên, đây chỉ là một trại tỵ nạn, cất theo kiểu trại lính, với vật liệu nhẹ, gỗ và mái nhôm. Sau trại trở thành một ngôi làng với đầy đủ các đặc điểm của làng Việt Nam, như đình, chùa v.v... Người sống ở đây hiện vẫn còn bảo tồn gần như hoàn toàn các phong tục truyền thống Việt Nam, kể cả cúng giỗ, và ... lên đồng ! Họ trồng trọt hoa màu Việt Nam và hiện trở thành nơi sản xuất rau tươi Việt Nam quan trọng nhất cho các chợ Á Châu tại Paris và các nơi đông người da vàng. Họ “đồng hóa” cả một số dân bản xứ quanh đó, khiến những người này cũng gieo trồng hoa màu Việt Nam, ăn cơm Việt Nam và quen thuộc với tập quán Việt Nam.

            Trong suốt cuộc chiến tranh Nam Bắc Việt Nam, thì phải kể đến làn sóng du học sinh đến Pháp với tỷ số người ở lại khá cao, tạo thành một cộng đồng Việt Nam tại Pháp, với trình độ tổ chức đáng kể. Chiến tranh Việt Nam cũng là đầu mối của sự phân chia cộng đồng này thành hai phe thân chính quyền Sài Gòn hay Hà Nội. Phe chống chính quyền Sài Gòn được nuôi dưỡng bởi không khí tả khuynh, chống Mỹ, của giới trí thức Pháp, nên phải nói là phát triển mạnh. Phe chống CS ít được sự hậu thuẫn của dư luận bản xứ Pháp, nhưng một số tổ chức, như Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Paris, nhờ có những nhân sự lỗi lạc, nên có được mức độ sinh hoạt rất khả quan. Tổng Hội trở thành đầu tàu cho hoạt động chống chính quyền Hà Nội của sinh viên Việt Nam khắp nước Pháp. Nhiều truyền thống phát sinh từ giai đoạn này vẫn còn tồn tại đến ngày nay, như Đại Hội Thể Thao Âu Châu chẳng hạn.

            Phải đợi đến sau năm 1975, làn sóng người tỵ nạn CS tràn lan đến Pháp mới đem lại cho phe chống chính quyền Hà Nội một chính nghĩa hiển nhiên, và thật nhiều nhân sự, với những cơ cấu và tổ chức cộng đồng mới. Các tổ chức thoát thai từ phong trào sinh viên dần dần nhường chỗ cho những hội đoàn tỵ nạn (như Hội Thanh Niên Tỵ Nạn ở vùng Paris), hay các hội đoàn liên hệ chặt chẽ với những đảng phái hoặc Mặt Trận chống CS (như Hội Ái Hữu Vùng Nam Paris). Tại các địa phương, hội đoàn sinh viên cũng nhường chỗ cho những hội đoàn với đa số người tỵ nạn, tuy một số sinh viên cũ vẫn duy trì hoạt động đắc lực.

            Rồi thời “đổi mới” của CS Việt Nam khiến tư thế đối nghịch “Quốc - Cộng” trong tập thể người Việt có sự thay đổi. Người ta phải thích nghi với những thái độ mới, như về thăm Việt Nam, gửi tiền về giúp gia đình (biết rằng đồng thời cũng giúp chế độ CS Việt Nam), thậm chí đầu tư làm ăn buôn bán với Việt Nam. Vì thế, một số cấu trúc, tổ chức, dần dần thay đổi, hay biến mất, và một số tổ chức mới ra đời, với những chủ trương như “hòa hợp hòa giải”, “chống đối chừng mực” (trường hợp của những người thân Hà Nội lúc trước nay bỏ ra chống đối), v.v...

            Cần nói là tập thể người tỵ nạn CS Việt Nam tại Pháp cũng bao gồm nhiều đồng hương đến từ Ai Lao, với những sắc thái sinh hoạt đặc thù. Thường họ không phải trốn tàu như các “boat people”, mà chỉ vượt sông Mekong, nên mang theo được nhiều của cải hơn, lại đến Pháp tương đối sớm, lúc những trợ cấp còn dồi dào, nên nói chung, buổi ban đầu sinh sống của họ trên đất Pháp dễ chịu hơn. Họ cũng hay sống gần nhau theo sự quen biết từ bên Lào, và thường vẫn tham gia các sinh hoạt của người Lào tại Pháp (nhiều người vừa mang tên Lào, vừa mang tên Việt). Tính tình họ cũng dễ dãi, ham vui và khả ái như người Lào, nên các hội đoàn Việt Nam có nhiều thành viên là người Việt đến từ Ai Lao thường xem sự đóng góp của họ như một ưu điểm lớn.

            Đời sống của hơn 200 ngàn người Việt tại Pháp thường không khác ở các nước Âu Mỹ là bao. Thời “sinh viên”, các anh em ở lại lập nghiệp nơi xứ này thường làm những nghề nghiệp trí thức, bác sĩ, kỹ sư, như truyền thống người mình thường ham chuộng. Có lẽ vì mặc cảm ngoại quốc, các sinh viên tốt nghiệp thường thích đi làm công cho các hãng xưởng hay cho chính phủ hơn là nhảy ra làm nghề tự do. Khi làn sóng tỵ nạn CS lan đến, thì bắt đầu có nhiều đồng hương làm nghề lao động, thương mại (phần nhiều là tiệm ăn), cũng như xuất hiện thêm nhiều nhi đồng Việt Nam trong các trường Trung, Tiểu học. Phải nói là tại Pháp cơ hội tiến thân không được dồi dào như ở Hoa Kỳ chẳng hạn, nên người tỵ nạn đến đây khó mà tìm lại được công việc và địa vị xã hội của mình ở Việt Nam trước đó. Ngay cả sinh viên Việt Nam tốt nghiệp tại Pháp cũng khó mà “leo” được như khả năng của mình cho phép, nếu đem so sánh với các bạn có cùng trình độ ở Mỹ. Tuy vậy, cũng có những người thành đạt vẻ vang ở Pháp, như chúng ta có thể đọc được trong các tuyển tập “Vẻ Vang Dân Việt” do nhà báo Trọng Minh chủ trương (nay đã ra đến Tập Ba).

            Tôi xin kể với bạn trường hợp một gia đình tỵ nạn đến Pháp, vào ở Trung Tâm tỵ nạn Rennes. Các em nhỏ được vị Giám Đốc cho đi học tiếng Pháp rồi bắt chuyển sang học nghề. Thân phụ các em phản đối, đòi các con mình, nhất là người con trai lớn, phải được học trường kỹ sư, vì em rất giỏi toán. Giám Đốc Trung Tâm nhất định không chịu, khiến bác tỵ nạn này phải rời Trung Tâm sớm hơn thời hạn, mất một số quyền lợi (dường nhu lúc ấy người tỵ nạn được “nuôi” trong Trung Tâm khoảng một năm hay 18 tháng chi đó). Ông tự lực tìm trường cho người con lớn, một việc vô cùng phức tạp ở cái nước Đại Phú Lang Sa này, và ghi danh cho em vào INSA Lyon, một trường kỹ sư hạng trung bình. Em học quá giỏi khiến các giáo sư đề nghị luyện cho em thi vào Centrale, một trường danh tiếng, ngang hàng với Polytechnique. Em đỗ đầu, và nay đã tốt nghiệp ra đi làm, với một địa vị xứng đáng. Các em của em đều học khá, một cô làm bác sĩ chuyên khoa, em khác dường như học dược...

            Tôi cũng được biết một em Việt Nam khi còn ở trại tỵ nạn viết thư cho người anh cũng là thuyền nhân đã sang Pháp trước đó vài năm, để xin ghi tên cho em học nghề hớt tóc. Người anh trả lời bảo em mình nên quay trở về Việt Nam nếu đến Pháp chỉ để ước mơ làm thợ hớt tóc. Sau cậu em mò sang, bị “quản thúc” gần một năm trong phòng để học tiếng Pháp, trước khi vào nội trú một trường luyện thi. Em cũng đậu vào Centrale, đã ra trường, và được mời cộng tác ở trình độ cao trong một xí nghiệp Pháp. Các gia đình tỵ nạn ở Rennes, gần nơi tôi hiện sinh sống, phần đông đều chịu sống eo hẹp, hy sinh tất cả phương tiện để cho con cái học lên cao, đoạt những bằng cấp quý báu, mặc dù điều kiện học hành ở Pháp thua kém những nước như Hoa Kỳ rất nhiều.

            Xin kết thúc bài viết này với những câu chuyện đầy khích lệ và đáng kính phục này, trong niềm kỳ vọng nơi thế hệ người Việt hiện đang nối gót chúng ta trên cuộc tranh sống tại nước Pháp này. Mong thế hệ ấy, cũng như những thế hệ kế theo, sẽ càng ngày càng đạt đến những thành quả vẻ vang hơn, và nhất là mãi giữ được tinh thần Việt Nam, luôn sẵn sàng giúp đỡ đồng hương và quê quán của mình.

Nguyễn Hoài Vân

1 tháng 3 năm 1998

http://nguyen.hoai.van.pagesperso-orange.fr/Nguoi-Viet-tai-Phap.htm